• Địa chỉ: 136 Lê Văn Duyệt, P.1, Q Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 0982 43 14 43 - 0937 555 450 (Zalo)

Trần Đình Hượu và nghiên cứu Nho giáo Việt Nam hiện đại.

350.000 VNĐ

Tên sách: Trần Đình Hượu và nghiên cứu Nho giáo Việt Nam hiện đại.

Khổ sách: 16 x 24 cm.

Bìa sách: bìa cứng.

Số trang: 472 trang.

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đặt mua sản phẩm
Thông tin sản phẩm

Hội thảo "Nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam trong thế kỷ XX" khẳng định vị trí, đóng góp của học giả Trần Đình Hượu đối với nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nước nhà.

Hội thảo do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức sáng 7/2, tại 19, Lê Thánh Tông, Hà Nội, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của PGS. NGƯT Trần Đình Hượu (11/2/1995 - 11/2/2015). PGS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu phó trường Nhân văn đánh giá, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu để lại dấu ấn đậm nét với các thế hệ học trò cũng như với giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. Nhiều học trò của ông đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đầu ngành như GS. TS Trần Ngọc Vương, PGS. TS Trần Nho Thìn...

Hội thảo ghi nhận và đánh giá sự nghiệp nghiên cứu của học giả Trần Đình Hượu trên hai lĩnh vực: nghiên cứu lịch sử triết học - tư tưởng phương Đông, đặc biệt là Nho giáo; và nghiên cứu Văn học Việt Nam trung cận đại.

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương là học trò của thầy Trần Đình Hượu. Với vai trò chủ trì hội thảo, ông khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu Nho giáo trong nền văn hóa của các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam, qua đó khẳng định vai trò của Trần Đình Hượu.

GS. TS Trần Ngọc Vương khái quát, Nho giáo có số phận thăng trầm trên chính nơi khai sinh của nó. Học thuyết chính trị - đạo đức này có vị trí độc tôn vào thời Hán Vũ Đế (thế kỷ II trước Công nguyên) và chiếm vị trí chủ đạo trong nền văn hóa Trung Quốc hơn 2.000 năm sau đó. Đầu thế kỷ XX, sau khi chế độ quân chủ sụp đổ ở Trung Quốc, Nho giáo từng bị bài trừ, bị coi là "cặn bã", kẻ thù của nhà cầm quyền và trở thành mục tiêu của phong trào "quét sạch những tàn dư của chế độ phong kiến".

Tuy nhiên, Nho giáo vẫn không mất hẳn. Phong trào tân Nho gia manh nha từ đầu thế kỷ XX lớn mạnh dần và mang tính quốc tế vào cuối thế kỷ. Đặc biệt, trước sự suy thoái đạo đức xã hội, người ta bắt đầu quay về phục hồi, phát huy những giá trị của Nho giáo. Đầu thế kỷ XXI, sự thừa nhận Nho giáo trở lại rầm rộ, biểu hiện ở những viện Khổng Tử được lập ra ngày một nhiều ở Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới.

Theo GS. TS Trần Ngọc Vương, ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, Nho giáo có thể coi như đã suy tàn. Mãi tới giữa những năm 1970 trở đi và sau đổi mới, Nho giáo mới dần được nhìn nhận và đánh giá lại. Giới nghiên cứu về Nho giáo ở Việt Nam trước Trần Đình Hượu chỉ có một số ít như Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện... Cho đến 1963, học giả Trần Đình Hượu trở về sau thời gian theo học triết học ở Liên Xô (ông thuộc thế hệ du học sinh đầu tiên được Nhà nước cử sang Liên Xô sau năm 1950) và công tác tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), ông theo đuổi nghiên cứu lịch sử tư tưởng, triết học phương Đông nói chung và Nho giáo nói riêng. Những lý thuyết về Nho giáo từ đây mới được xây dựng một cách hệ thống, với việc đi vào gốc rễ của vấn đề, nhận chân những giá trị bất biến của học thuyết này cũng như khía cạnh tích cực, hạn chế. Đặc biệt, nó được nhìn nhận dưới góc nhìn khoa học, khách quan, phi chính trị.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vào tư tưởng "Đến hiện đại từ truyền thống" của Trần Đình Hượu. Theo đó, Trần Đình Hượu không phủ nhận, không coi Nho giáo là thứ có thể "thanh toán", "xóa sổ". Việc thừa nhận sự tồn tại và nghiên cứu Nho giáo nhằm để xem đâu là yếu tố cản trở, đâu là yếu tố có thể lợi dụng trong việc phát triển của xã hội hiện đại. Trần Đình Hượu đã nghiên cứu, xem xét sự vận động của Nho giáo, của truyền thống để phục vụ cho hiện đại chứ không phải để bảo vệ cái cũ.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa cũng là một trong những người có tham luận về Trần Đình Hượu. Chia sẻ thêm với VnExpress, Nguyễn Hòa khẳng định: "Trần Đình Hượu đã đi theo con đường triết học, bởi chỉ có con đường triết học mới đặt vấn đề nghiên cứu bản chất cấp một của sự vật. Ông khái quát những nét cơ bản nhất, chỉ ra đích thực nó là gì, tìm ra giá trị bất biến của Nho giáo, xem xét sự biến thiên và ảnh hưởng của nó khi du nhập vào Việt Nam, và xem giá trị nào còn ý nghĩa với hôm nay. Ví dụ, ông coi tu thân như là điểm bắt đầu then chốt của Nho giáo với con người. Ông không chỉ là người nghiên cứu lý thuyết mà còn từ lý thuyết ấy đi tới thực hành".

Ứng dụng quan điểm của Trần Đình Hượu, Nguyễn Hòa cho rằng, các giá trị Nho giáo trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam ngày nay vẫn tồn tại nhưng dưới biểu hiện mới. "Tôi nghĩ các giá trị nhân văn thì xã hội nào cũng cần, nhất là khi xã hội phát triển. Chúng ta vẫn cần tu thân, nhưng ở hình thức khác, không phải theo kiểu Nho giáo trước đây. Tu thân thể hiện ở chỗ mỗi người cố gắng trở thành một cá thể tích cực của xã hội, mà trước hết là trong và vì gia đình mình". Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng chỉ ra, trong nhiều trường hợp, biểu hiện của Nho giáo chỉ là hình thức chứ không phải bản chất, như việc sờ đầu rùa ở Văn Miếu, viết chữ Nho tràn lan ở "phố Ông Đồ" dịp Tết hàng năm... Nguyễn Hòa gọi đó là "sự trỗi dậy nửa mùa của Nho giáo".

PGS. TS Trần Nho Thìn đi vào một vấn đề cụ thể trong nghiên cứu của Trần Đình Hượu, đó là lĩnh vực văn học. Trong đó ông đánh giá Trần Đình Hượu đã ứng dụng học thuyết Nho giáo vào nghiên cứu, cắt nghĩa các mẫu hình nhân vật như mẫu nhân vật hoàng đế, mẫu nhân vật Nho gia; hay giải mã nghĩa của chữ "đức", "thực"... trong văn hóa truyền thống, bằng cách đặt vào ngữ cảnh văn hóa chịu ảnh hưởng Nho giáo.

PGS. NGƯT Trần Đình Hượu sinh ngày 19/12/1926 tại làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An, mất ngày 11/2/1995. Ông công tác tại Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1963 đến 1969. Các công trình chính, chủ yếu được tập hợp và xuất bản sau khi ông mất, gồm: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930 (đồng tác giả với Lê Chí Dũng), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Đến hiện đại từ truyền thống, Các bài giảng về tư tưởng phương Đông, Tuyển tập Trần Đình Hượu.

Ông được trao tặng phong Phó Giáo sư năm 1981, danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1985, Huy chương chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.